SINH LÝ DA

 #HETIS #Chamsocda

Da người không chỉ là một vỏ bọc cơ thể đơn thuần mà là một cơ quan có nhiều chức năng quan trọng đối với đời sống con người.

Da có những chức năng sau:

– Bảo vệ

– Điều nhiệt

– Chuyển hóa

– Bài tiết

– Thu nhận cảm giác

– Tạo sừng (keratin), tạo sắc tố (melanin)

– Miễn dịch

– Tạo ngoại hình và chủng tộc

1. Chức năng bảo vệ

Da là một hàng rào che chắn, bảo vệ các cơ quan như thần kinh, mạch máu, cơ, xương, phủ tạng khỏi bị tấn công của các yếu tố có hại về sinh học, cơ học, hóa học và lý học.

Do có cấu trúc biệt hóa không ngừng của các lớp tế bào thượng bì, những vi khuẩn ký sinh trên da luôn bị đẩy lùi, đào thải ra ngoài cùng của tế bào sừng. Bên cạnh đó, nhờ co cấu trúc chặt chẽ của lớp Malpighi, có các sợi keo, sợi liên kết làm cho da có tính đàn hồi, dẻo dai nên da có thể chịu được áp lực của môi trường chống lại chấn thương từ ngoại cảnh, ngăn cản vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

Lớp sừng có tác dụng ngăn cản không cho ánh sáng có bước sóng 200nm xuyên qua da và lớp trung bì ngăn cản bức xạ ánh sáng có bước sóng 340-700nm đi xuống hạ bì.

2. Chức năng điều nhiệt

Da điều hòa nhiệt độ, giữ cho thân nhiệt ở mức hằng định nhờ hai cơ chế: ra mồ hôi và phản ứng vận mạch.

Khi thân nhiệt tăng cao do bị nhiễm trùng, nhiệt độ môi trường tăng hoặc một lý do nào đó, cơ thể phản ứng bằng cách giãn mạch máu dưới da để tăng cường thoát nhiệt, tuyến mồ hôi tăng bài tiết. tăng thoát hơi nước để giảm nhiệt

Khi nhiệt độ giảm, các mạch máu dưới da sẽ co lại, giảm tỏa nhiệt trên da.

3. Chức năng bài tiết

3.1 Bài tiết mồ hôi

Tùy theo vùng cơ thể khác nhau mà số lượng tuyến mồ hôi khác nhau. Ở lòng bàn tay chân có 620 tuyến/cm2 da, ở đùi có 120 tuyến/cm2 da. Toàn bộ cơ thể có 2,5 triệu tuyến mồ hôi.

Các vùng cơ thể khác nhau bài tiết lượng mồ hôi khác nhau. Thân mình đảm bảo bài tiết 50% số lượng mồ hôi. Hai chi dưới 25%, 2 chi trên và đầu 25%.

Ngoài nhiệm vụ tham gia điều hòa nhiệt, mồ hôi còn có tác dụng đào thải các chất cặn bã, độc hại cho cơ thể.

Thành phần của mồ hôi gồm: 99% là nước, 1% là các chất điện giải (NaCl, Kali, Calci), ure, amoniac,…

3.2 Bài tiết chất bã

Da luôn luôn bài tiết chất bã. Chất bã làm da không thấm nước, ngăn cản sự bốc hơi nước, làm da mềm mại, chống lại vi khuẩn, nấm.

Thành phần của chất bã: 2/3 là nước, 1/3 là acid béo, triglycerid, cholesterol, sterol, phospholipid, vitamin E

Nếu chất bã giảm bài tiết sẽ làm da thô ráp dễ bong vảy. Nhưng nếu bài tiết chất bã quá nhiều sẽ làm cho da nhờn, lỗ chân lông giãn rộng, nhiều trứng cá.

 

4. Chức năng chuyển hóa

Da giữ 9% nước của cơ thể và là nơi chứa nhiều NaCl nhất cơ thể, do đó da đóng vai trò quan trọng trong hệ thống cân bằng nước, điện giải.

Dưới tác dụng của tia cực tím, cholesterol dưới da chuyển hóa thành vitamin D – vitamin cần thiết cho hấp thu calci ở xương. Không chỉ vậy, da còn tham gia vào quá trình chuyển hóa đạm, đường, mỡ.

5. Chức năng thu nhận cảm giác

Cảm giác sờ mó, đụng chạm được phát hiện nhờ tiểu thể Messner và Pacini. Các tiểu thể này phân bố không đều ở khắp cơ thể tập trung nhiều nhất ở lòng bàn tay. Tiếp nhận cảm giác tỳ đè là các hạt Golgi và Mazzoni.

Cảm giác nóng được tiếp nhận do tiểu thể Rufini. Cảm giác lạnh được tiếp nhận do tiểu thể Krause ở trung bì. Toàn bộ da có 30.000 điểm nóng, 250.000 điểm lạnh. Vùng nhạy cảm nhất với cảm giác nóng lạnh là ngực, bụng, mũi, tai.

Cảm giác đau do tận cùng các dây thần kinh đảm nhiệm. Khả năng thu nhận cảm giác đau nhìn chung không đối xứng trên cơ thể. Có người nửa cơ thể bên phải nhạy cảm với cảm giác đau hơn bên trái và ngược lại.

Cảm giác ngứa: khi bị ngứa con người có xu hướng muốn gãi vì khi gãi sẽ làm dập nát tế bào, giải phóng histamin. Histamin tiết ra sẽ làm giảm ngứa, nhưng khi tiết ra quá nhiều sẽ làm tình trạng ngứa tăng lên và trở thành vòng luẩn quẩn càng gãi càng ngứa.

6. Chức năng miễn dịch

Ở da có nhiều tế bào có thẩm quyền miễn dịch như tế bào Langerhans, tế bào Lympho T. Khi có kháng nguyên đột nhập vào da, tế bào Langerhans xuất hiện bắt giữ kháng nguyên, trình diện kháng nguyên với tế bào Lympho có thẩm quyền miễn dịch.

7. Chức năng tạo ngoại hình và chủng tộc

Mỗi chủng tộc khác nhau có màu da khác nhau. Da người góp phần tạo nên hình hài của mỗi chúng ta.

 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *